Tổ chức thành công Hội nghị Công nghiệp Giấy Đông Nam Á lần thứ 34 (THE 34TH FAPPI CONFERENCE – Hội nghị FAPPI 34) tại Việt Nam đã nâng tầm vị thế của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam. Lãnh đạo các Hiệp hội giấy và Bột giấy Châu Á cùng các quan khách tham dự Hội nghị đều bày tỏ cảm ơn, ấn tượng về công tác tổ chức Hội nghị lần này.
Hội nghị Công nghiệp Giấy Đông Nam Á lần thứ 34 diễn ra từ ngày 31/10 đến ngày 2/11/2019. Trong đó bao gồm cuộc Họp trù bị lãnh đạo các Hiệp hội, Hội nghị chính và các chuyến tham quan các địa danh nổi tiếng của miền Trung Việt Nam tại Đà Nẵng, Huế, Hội An.
Ngày 1/11/2019, phiên họp chính của Hội Nghị FAPPI 34 đã long trọng diễn ra với gần 250 khách tham dự. Trong đó có các đoàn đến từ 10 Hiệp hội Giấy và Bột giấy Châu Á là: VPPA, CPA, CTPIA, IPPA, JPA, KPA, MPPIA, MPPMA, PPMAI, TPPIA cùng các khách mời trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực công nghiệp giấy.
Liên kết đẩy mạnh nền Công nghiệp giấy Đông Nam Á
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Việt Đức, Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) cho biết, Hiệp hội rất vui mừng là chủ nhà tổ chức Hội nghị Công nghiệp Giấy và Bột giấy ASEAN lần thứ 34 tại Đà Nẵng, thành phố được bình chọn trong TOP 10 các thành phố đáng sống trên thế giới và là trung tâm của miền Trung Việt Nam.
Trong ngành công nghiệp giấy và bột giấy toàn cầu, khu vực châu Á đã trở thành trung tâm lớn sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu và nhập khẩu, với tiềm năng tăng trưởng được dự báo sẽ lớn hơn bất kỳ khu vực nào khác. Tuy nhiên, ngành công nghiệp giấy và bột giấy khu vực cũng có những vấn đề cần phải giải quyết nhằm mục đích tăng trưởng bền vững, như cung và cầu nguyên liệu thô, tiết kiệm năng lượng, đáp ứng quy định môi trường…
Hội nghị là một cơ hội tuyệt vời để các đại biểu tham dự được nghe các báo cáo về tình trạng hiện tại của ngành công nghiệp giấy và bột giấy của các Hiệp hội, tìm giải pháp cho những vấn đề mà ngành công nghiệp giấy và bột giấy khu vực đang phải đối mặt nhằm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.
Mặc dù không có nhiều thời gian, nhưng hội nghị này là một sự kiện có ý nghĩa và thực sự đóng góp cho sự phát triển của Ngành Công nghiệp Giấy và Bột giấy châu Á.
Tại hội nghị, các Hiệp hội báo cáo, cập nhật về tình hình cũng như đánh giá vai trò nền công nghiệp giấy của các nước, dự báo nhu cầu tiêu dùng, xuất, nhập khẩu trong các năm tới để các nước có cái nhìn khách quan và định hướng phát triển ngành công nghiệp giấy và bột giấy trong nước và khu vực.
Đặc biệt, với chủ đề xuyên suốt Hội nghị là: Vì một nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững – các Hiệp hội cũng có các bài báo cáo chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất – kinh doanh, công nghệ đến các đơn vị nhằm mục đích cùng nhau phát triển và đẩy mạnh nền kinh tế tuần hoàn, tăng tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng và đưa giấy thu hồi thành nguyên liệu chính trong sản xuất nhiều loại giấy khác nhau.
Các chuyên gia phân tích thị trường quốc tế đến từ Hawkins Wright và RISI cũng đưa ra các phân tích xu hướng thị trường các chủng loại giấy, bột giấy, giấy thu hồi, sự ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới, chiến tranh thương mại để các Hiệp hội thấy rõ sự phân bố, cơ cấu sản xuất, sản phẩm từ đó đưa ra định hướng phát triển.
Ngành giấy Việt Nam tiềm năng phát triển mạnh
Báo cáo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã nêu bật những thành tựu của ngành giấy Việt Nam trong thời gian gần đây và dự báo nhu cầu tiêu dùng giấy trong thời gian tới.
Ngành giấy Việt Nam trong giai đoạn 2016 – 2019, có sự tăng trưởng mạnh trên cả năm yếu tố: Năng lực sản xuất giấy và các tông tăng trưởng bình quân 31%/năm; Sản xuất các loại giấy và các tông tăng trưởng 25,7%/năm; Tiêu dùng tăng trưởng 12,3%/năm; Xuất khẩu tăng trưởng 65,1%/năm; Nhập khẩu tăng trưởng 3,1%/năm. Tăng trưởng năng lực sản xuất chủ yếu là giấy bao bì, trong đó các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 70%; Tăng trưởng sản xuất cũng chủ yếu là từ giấy bao bì, tiếp theo là giấy in – viết và giấy tissue; Xuất khẩu chủ yếu là giấy bao bì và 1 phần giấy tissue; Nhập khẩu chủ yếu là bao bì tráng, giấy in – viết có tráng phủ, giấy photocopy cao cấp, các loại giấy đặc biệt.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, năng lực sản xuất bột giấy trong nước không tăng, sản xuất tăng trưởng bình quân 1,9%/năm; Tiêu dùng tăng trưởng 5,5%/năm, chủ yếu do sự tăng trưởng về sản xuất giấy in – viết, giấy tissue; Nhập khẩu tăng trưởng 7,5%/năm. Sản xuất bột giấy chỉ đáp ứng được 35% nhu cầu trong nước, nhập khẩu bột giấy chiếm tỷ trọng 65%. Trong nước chỉ sản xuất bột giấy sợi ngắn (BHKP) và mới chỉ đáp ứng được 56% nhu cầu về bột sợi ngắn, bột sợi dài (BSKP) và bột hóa nhiệt cơ (BCTMP) phải nhập khẩu 100%.
Trong giai đoạn 2016 – 2019, nhu cầu về giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất tăng trưởng bình quân 30,3%/năm; Thu gom giấy thu hồi trong nước tăng trưởng 18,5%/năm; Nhập khẩu giấy thu hồi tăng trưởng 42,8%/năm. Giấy thu hồi có vai trò rất quan trọng, là nguyên liệu không thể thay thế trong sản xuất giấy của Việt Nam. Sử dụng giấy thu hồi làm nguyên liệu sản xuất giấy các loại đạt tỷ lệ 87%, tính riêng trong sản xuất giấy bao bì đạt đến 98%. Hoạt động thu gom trong nước đã phát triển trong những năm gần đây, tuy nhiên tăng trưởng mạnh về sản xuất trong ba năm gần đây, đặc biệt là giấy bao bì dẫn đến tỷ lệ thu gom trong nước không theo kịp với sản xuất. Tỷ lệ thu gom nội địa năm 2018 mới đạt 39% tổng lượng giấy tiêu dùng trong nước và chỉ đáp ứng 43% nhu cầu sản xuất, nhập khẩu giấy thu hồi chiếm tỷ trọng 57%.
Theo dự báo của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, trong 5-10 năm tới, nhu cầu tiêu dùng các loại giấy sẽ tăng từ 8-10%/năm, đặc biệt giấy bao bì có thể tăng tới 15-18%/năm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thử thách phải vượt qua, ngành giấy Việt Nam hứa hẹn là ngành kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cuối phiên họp chính, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam thông báo và trao cờ FAPPI cho Hiệp hội Giấy và Bột giấy Myanmar (MPPIA), chủ nhà tổ chức Hội nghị Công nghiệp Giấy và Bột giấy ASEAN lần thứ 35 vào năm 2021.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
VPPA