Ngày 14.10, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã phối hợp cùng Tập đoàn Valmet tổ chức Tọa đàm “Công nghệ mới trong sản xuất bột giấy”.
Buổi hội thảo với sự có mặt của Ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, các chuyên gia đến từ Thụy Điển của Valmet, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển VPPA cùng các đơn vị thành viên thuộc Hiệp hội như Tổng Công ty giấy Việt Nam, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô, Trường Cao đẳng Công Thương Phú Thọ, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Công ty Cổ phần Công nghệ Xen-lu-lô, Công ty Dịch vụ Kỹ thuật ngành giấy, Công ty cổ phần giấy Tấn Hưng…
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Đặng Văn Sơn – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cho hay, Hiệp hội đánh giá cao việc cung cấp các thông tin công nghệ mới đến các đơn vị sản xuất và đào tạo trong ngành. Vì thế, việc phối hợp cùng Valmet tổ chức buổi trao đổi công nghệ mới về sản xuất bột giấy rất quan trọng và hữu ích. Tập đoàn Valmet đã có những đóng góp vào sự phát triển của ngành giấy Việt Nam thông qua các sản phẩm công nghệ đổi mới, hiện đại, giúp ngành giấy tăng năng suất sản xuất, tiết kiệm năng lượng, chất lượng giấy nâng cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
Ông Fredrik Wilgotson, Phó chủ tịch Asia Pacific Valmet và ông Trần Trung Kiên, Tổng giám đốc Công ty TNHH Valmet Technologies and Services Việt Nam đã trình bày ngắn gọn về lịch sử hình thành và phát triển của Tập đoàn Valmel.
Tiếp đến là các bài chia sẻ kinh nghiệm đến từ các chuyên gia công nghệ của Valmet về những điểm mới trong Công nghệ nấu liên tục và gián đoạn; Các thiết kế tối ưu cho dây chuyền bột và Lô ép đôi cho giai đoạn rửa bột. Ngoài ra, Valmet còn chia sẻ về Phương pháp tối ưu hóa và tư động hóa cho nhà máy bột giấy.
Điển hình, ông Lari Lammi- chuyên gia công nghệ về nấu bột giấy của Valmet đã chia sẻ về công nghệ nấu liên tục, nấu gián đoạn cho nguồn nguyên liệu từ gỗ và hệ thống ống nấu cho nguyên liệu là phi gỗ (bã mía, rơm rạ). Mục tiêu chính của họ là nâng cao công suất, hiệu suất cho quá trình nấu mà luôn đảm bảo sự vận hành một cách đơn giản.
Đối với công nghệ nấu liên tục, thế hệ nấu mới nhất của Valmet –CompactCookingTM G3 (hình 2) được phát triển từ thế hệ G2, là giải pháp mới cho các dự án nấu bột có công suất lớn với 3 công đoạn chính là xông hơi, ngâm tẩm và nấu.
Ưu điểm của giải pháp này là sự ngâm tẩm dăm mảnh trong thời gian dài và nhiệt độ thấp sẽ giúp hóa chất ngấm sâu hơn vào dăm mảnh cùng với đó xơ sợi sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Thời gian nấu cho quá trình cũng được giảm xuống, tổng thời gian từ quá trình nạp mảnh đến sau rửa mất khoảng 4-5,5 giờ. Hệ thống nồi nấu của Valmet còn có thiết bị theo dõi kiểm soát tỷ lệ dịch đen với dăm mảnh đồng thời dịch đen của quá trình nấu được tận dụng một cách tối đa.
Ông Jouni Karvonen- người có 20 năm kinh nghiệm tại Valmet về vấn đề rửa bột nâu, cũng chia sẻ về các giải pháp tẩy rửa của Valmet hiện nay là đều sử dụng 1 quy trình là tẩy EOP với các hệ thống phụ trợ nhằm giúp quá trình tẩy rửa giảm tiêu hao hóa chất và nước thải. Hệ thống tẩy EOP kết hợp với máy rửa ép vắt của Valmet hiện nay có thể tẩy bột đạt đến độ trắng 90 %ISO và mức nước thải ra cho 1 tấn bột là 5 m3/ADt, <20 kg CODCr /Adt. Các chỉ tiêu này là rất lý tưởng cho các yêu cầu sản xuất bột giấy ở Việt Nam…
Tại buổi hội thảo, các chuyên gia Valmet đã trả lời nhiều câu hỏi do đội ngũ cán bộ kỹ thuật của các đơn vị tham dự đặt ra, đồng thời cung cấp các giải pháp hỗ trợ các công nghệ hiện đang dùng nhằm tăng hiệu suất trong công đoạn nấu, tẩy rửa và chưng bốc của nhà máy sản xuất bột giấy.
Kết thúc buổi tọa đàm, Đại diện Valmet cho hay, Valmet rất vui vì được chia sẻ cùng các đơn vị thuộc Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam về công nghệ mới trên, đồng thời đánh giá cao sự phát triển của ngành giấy Việt Nam và hy vọng Valmet sẽ cùng ngành công nghiệp Giấy để phát triển.
VPPA